Nhiều trăn trở trước thềm năm học mới

Lượt xem:

Đọc bài viết

Báo cáo trước UBND tỉnh về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2013-2014, ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 phòng học ở các cấp (tính đến hết năm học 2012-2013), trong đó còn 118 phòng học tạm, 131 phòng học mượn. Trong năm học 2013-2014, tỉnh cần có thêm 233 phòng học mới và phải xây dựng thêm 234 phòng học để thay thế phòng mượn, phòng học tạm”. Còn theo các địa phương, bước vào năm học mới này, tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn xảy ra…

 1559-XH-1
 Năm học 2012-2013, điểm trường mầm non ở bon Bu R’lông, xã Đắk Môl (Đắk Song) chỉ là hội trường bon khá chật chội, nhưng có đến hơn 30 trẻ

Bức xúc bậc học mầm non

 

Báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong tổng số 249 phòng học tạm, mượn tại các cấp học thì chiếm phần lớn là cấp mầm non với 180 phòng gồm 52 phòng học tạm và 128 phòng mượn. Số phòng học tạm, mượn tập trung nhiều ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như huyện Chư Jút 26 phòng, Đắk Song 48 phòng, Tuy Đức 31 phòng…

 

Trong khi trường lớp còn tạm bợ nhiều thì bước vào năm học 2013-2014, tổng học sinh ở bậc học mầm non cả tỉnh tiếp tục tăng lên 29.272 em, cao hơn 1.900 em so với năm học trước (27.331 em). Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh cần có thêm 109 phòng học phục vụ cho năm học mới và 108 phòng học khác cần xây dựng để thay phòng học tạm, mượn ở cấp này. Như vậy, so với tổng số phòng học xây dựng mới (dự kiến) ở tất cả các cấp học được đưa vào phục vụ năm học 2013-2014, cả tỉnh chỉ có 118 phòng; trong đó phòng học kiên cố 80 phòng, bán kiên cố 38 phòng thì cơ sở vật chất phục vụ cho bậc học mầm non chưa đáp ứng được bao nhiêu.

 

Là địa phương có số phòng học mượn ở cấp mầm non ít (5 phòng), theo ông Ngô Văn Linh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa thì địa phương có thể tận dụng nhà văn hóa thôn, bon dạy học. Thế nhưng cái khó hơn khi bước vào năm học mới này, thị xã đang đứng trước áp lực lớn về việc thiếu giáo viên cho bậc mầm non.

 

Thực tế, năm học này, số cháu bước vào độ tuổi học mầm non ở địa phương đột nhiên tăng cao (riêng năm học 2012-2013 đã tăng hơn 500 cháu). Đây là áp lực lớn cho địa phương trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo các huyện Chư Jút, Krông Nô cũng phản ánh tình trạng chung về việc thiếu trường lớp, giáo viên ở bậc học mầm non. Và đây đang là nỗi lo của các địa phương khi bước vào năm học mới…

 

Còn theo ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thì bước vào năm học mới, địa phương đang lo lắng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là đối với cấp học mầm non. Điều kiện đường sá khó khăn đang đặt ra cho các cấp, ngành ở địa phương phải nỗ lực rất nhiều trong công tác chuẩn bị cho năm học mới”.

 

Vì còn nhiều bất cập

 

Ngoài tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên ở bậc học mầm non, đối với các cấp học khác, bước vào năm học mới 2013-2014 vẫn còn nhiều nơi phải mượn phòng học cho học sinh tiểu học, THCS. Đến hết năm học 2012-2013, ở cấp tiểu học, toàn tỉnh vẫn còn 54 phòng học tạm, mượn, cấp THCS còn 9 phòng và THPT còn 6 phòng.

 

Tương tự, đội ngũ giáo viên ở các cấp, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiện vẫn còn thiếu… Trước việc thiếu giáo viên, thiếu thốn trường lớp ở các địa phương vùng khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị tỉnh cần ưu tiên xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; các địa phương cần đầu tư xây dựng trường lớp xóa phòng học tạm, mượn. Các huyện, thị xã cần dành một nguồn ngân sách hợp lý để chống xuống cấp trường học, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Trước việc một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu giáo viên, ông Trương Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: “Đối với những nơi học sinh các cấp tăng, nhu cầu thiếu giáo viên thực sự thì địa phương phối hợp cùng ngành Giáo dục báo cáo Sở Nội vụ để tham mưu tỉnh bổ sung biên chế. Mặc dù một số địa phương thiếu biên chế giáo viên, nhưng mới đây, qua kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh, Sở được biết, toàn tỉnh vẫn còn 600 giáo viên chưa tuyển dụng. Như vậy, các địa phương, ngành Giáo dục phải rà soát kỹ hơn nữa để tránh tình trạng nơi thiếu, nơi thừa giáo viên”.

 

Có thể nói, tình trạng nơi thiếu, nơi thừa giáo viên trên địa bàn tỉnh là có. Vì thực tế, ở những vùng có điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục, các địa phương chưa xây dựng được chính sách ưu đãi thu hút giáo viên đứng lớp, dẫn đến việc thiếu hụt thầy cô bám lớp, bám trường. Chưa kể những bất cập trong đầu tư xây dựng trường lớp, đó là ở vùng đô thị được đầu tư nhiều, ngược lại nơi vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn còn “rót” nhỏ giọt… Và những bất cập này chắc có lẽ chỉ các giáo viên, học sinh và phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa là cảm nhận rõ nhất khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2013-2014.

 

Bài, ảnh: Công Tính