XÉT TUYỂN HỌC SINH VÀO TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC
Lượt xem:
1/ Trình tự thực hiện
Hội đồng tuyển sinh của cơ sở dự bị đại học căn cứ kế hoạch tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện quy trình xét tuyển theo các bước sau:
– Thông báo tuyển sinh: Cơ sở dự bị đại học công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển, các tổ hợp môn dùng để xét tuyển và đối tượng được tuyển thẳng.
– Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển: cơ sở dự bị đại học tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của học sinh theo quy định, tiến hành nhập dữ liệu học sinh đăng ký xét tuyển theo từng tổ hợp môn dùng để xét tuyển.
Mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng (theo hai tổ hợp môn và ghi rõ thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 theo một trong các hình thức sau:
+ Nộp 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho cơ sở dự bị đại học;
+ Khai hồ sơ theo yêu cầu phần mềm tuyển sinh (qua mạng internet đối với các cơ sở dự bị đại học có phần mềm tuyển sinh trực tuyến).
– Tổ chức xét tuyển, xác định điểm trúng tuyển: các cơ sở dự bị đại học căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của từng tổ hợp môn dùng để xét tuyển, sau khi trừ số học sinh được tuyển thẳng. Ban thư ký trình Hội đồng tuyển sinh xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
– Nguyên tắc xét trúng tuyển:
+ Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông: Điểm xét tuyển là tổng điểm của ba môn theo tổ hợp xét tuyển trong học bạ năm học lớp 12;
+ Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông quốc gia: Điểm xét tuyển là tổng điểm của ba môn theo tổ hợp xét tuyển của ba bài thi/môn thi (không tính điểm ưu tiên).
Căn cứ số lượng học sinh đăng ký xét tuyển ở từng tổ hợp môn và chỉ tiêu được giao, Hội đồng tuyển sinh của cơ sở dự bị đại học tổ chức xét tuyển theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trường hợp học sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì không được xét ở nguyện vọng 2.
– Quyết định danh sách học sinh trúng tuyển, công khai và công bố trên website của trường.
– Cơ sở dự bị đại học gửi giấy triệu tập học sinh trúng tuyển, trong đó ghi rõ những lưu ý học sinh cần chuẩn bị khi nhập học và bản chính các giấy tờ theo yêu cầu tuyển sinh để đối chiếu.
2/ Cách thức thực hiện:
Trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc khai hồ sơ theo yêu cầu phần mềm tuyển sinh (qua mạng internet đối với các cơ sở dự bị đại học có phần mềm tuyển sinh trực tuyến).
3/ Hồ sơ:
* Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông:
– Đơn đăng ký xét tuyển vào học dự bị đại học (theo mẫu);
– Bản sao học bạ trung học phổ thông;
– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời.
* Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông quốc gia:
– Đơn đăng ký xét tuyển vào học dự bị đại học (theo mẫu);
– Bản sao giấy chứng nhận kết quả thi do Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia cấp;
– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời.
* Đối với phương thức tuyển thẳng:
– Đơn đăng ký xét tuyển vào học dự bị đại học (theo mẫu);
– Bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời.
Số lượng: 01 bộ
4/ Thời hạn giải quyết:
Theo đợt tuyển sinh.
5/ Yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính:
* Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông:
– Tốt nghiệp trung học phổ thông;
– Kết quả xếp loại học lực từ trung bình trở lên và kết quả xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên trong ba năm học trung học phổ thông;
– Điểm trung bình chung của ba môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12 từ 6,0 trở lên.
* Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông quốc gia
– Tốt nghiệp trung học phổ thông;
– Tổng điểm của ba bài thi/môn thi (không tính điểm ưu tiên) của tổ hợp xét tuyển đạt từ 12,0 điểm trở lên (không có bài thi/môn thi nào bị điểm liệt, theo quy định tại Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia).
* Đối với phương thức tuyển thẳng: Tốt nghiệp trung học phổ thông.
Căn cứ pháp lý của TTHC:
Thông tư 26/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học; cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2017 và thay thế các quy định về tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học tại Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.